Mình có background non-IT và tính học khóa Business Analytics rồi xin làm Business Analyst để xin PR
Tốt nghiệp Business Analytics nhưng kiếm việc Business Analyst khó quá, anh/chị có thể tư vấn giúp em được không?
Đây chỉ là 2 trong những tình huống mình hay gặp trong cộng đồng sinh viên Việt Nam du học tại Úc. Còn có rất nhiều câu hỏi tương tự đặc biệt là từ các bạn học Business Information System/Business Analyst và Business Analytics.
Vì thấy tình huống này khá nhiều trên các group nên hôm nay viết bài này hy vọng giúp các bạn có cái nhìn đúng hơn về BA.
Đa phần các bạn chọn học 2 ngành này là vì được tư vấn về cơ hội việc làm và định cư ở Úc sau khi học. Một số khác là tự tìm hiểu để chuyển đổi ngành sang IT. Điều này hoàn toàn đúng vì cả 2 ngành đều có cơ hội xin được PR sau khi trường và thị trường việc làm cũng rất hot.
————–
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Sự nhầm lẫn về thuật ngữ BA là nguyên nhân khiến nhiều bạn đến khi ra trường mới nhận ra mình đã học một ngành nhưng xin việc ngành khác.
Và vì không hiểu rõ thị trường tuyển dụng ở Úc nên nhiều bạn học xong vẫn mãi không kiếm được việc trúng chuyên ngành.
Hãy cùng mình tìm hiểu kỹ về 2 ngành này để tránh lãng phí 2-3 năm tuổi thanh xuân và trang bị cho mình những kỹ năng tốt nhất khi xin việc.
Lưu ý: đây là bài viết hoàn toàn dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân để chia sẻ thông tin cho các bạn mới. Một số thông tin được viết ngắn gọn giúp mọi người có cái nhìn tổng quát. Các bạn chỉ nên đọc để tham khảo.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các vấn đề sau.
– Hiểu rõ hơn về Business Analyst vs Business Analytics
– Nên chọn ngành nào cho phù hợp?
– Cần những kỹ năng gì để có thể xin việc?
————–
Business Analyst vs Business Analytics
Thoạt nhìn thì có vẻ chúng khá giống nhau nếu chúng ta cố dịch nghĩa ra Tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng không những khác nhau về ý nghĩa mà còn khác nhau cả về bản chất công việc và kỹ năng cần thiết.
Ý nghĩa và bản chất công việc
Business Analyst thường được biết đến với cái tên là “Chuyên viên phân tích kinh doanh/nghiệp vụ”. Cái tên cũng thể hiện rõ, đây là một chức vụ công việc (job title) của người làm việc liên quan đến “phân tích kinh doanh” (Business Analysis).
Business Analysis hiểu đơn giản, là các công việc liên quan đến tìm kiếm và đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Và vì các giải pháp này thường là giải pháp về công nghệ, vậy nên Business Analyst sẽ cần nhiều kiến thức chuyên môn (domain knowledge) và lĩnh vực phát triển phần mềm (software development life cycle SDLC).
Business Analytics lại là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Mình không biết dịch từ này ra Tiếng Việt thế nào nên sẽ giữ nguyên thuật ngữ. Business Analytics, hiểu đơn giản, là những công việc liên quan đến sử dụng dữ liệu để hiểu được tình hình hiện tại và đưa ra các dự đoán tương lai của doanh nghiệp. Và những công việc này thường được thực hiện bởi Data Analyst DA (chuyên viên phân tích dữ liệu) hoặc Data Scientist DS (Nhà khoa học dữ liệu). Nhóm ngành này sẽ làm việc rất nhiều với dữ liệu, thống kê và lập trình.
Hy vọng đến đây chắc các bạn cũng đã hiểu sơ về sự khác biệt giữa 2 nhóm ngành. Phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn một chút nữa công việc cụ thể của 2 nhóm ngành này như thế nào để bạn có thể định hướng con đường phù hợp cho bản thân.
Đặc thù công việc
Business Analysis:
Business Analyst là cầu nối trung gian giữa các bên kinh tế và kỹ thuật, giúp mọi người có thể hiểu nhau dễ dàng hơn. Nhóm này thường không trực tiếp phát triển sản phẩm (không cần code).
Phần lớn thời gian là giao tiếp với các stakeholders để lấy và phân tích yêu cầu và làm tài liệu kỹ thuật. Vậy nên “communication is the king”
Cần hiểu rõ về quy trình doanh nghiệp và quy trình phát triển phần mềm cũng như quản lý dự án. Ngoài ra, các kiến thức về lập trình cơ bản hay phân tích dữ liệu cũng sẽ rất hữu ích.
Tùy theo tính chất của công ty và yêu cầu công việc, thường sẽ thấy 2 nhóm ngành chính:
Non-IT BA: chuyên phân tích và tìm giải pháp tối ưu quy trình vận hành cho doanh nghiệp.
IT BA: là cầu nối giữa business và nhóm phát triển để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu. Vậy nên nhóm này cần nhiều kiến thức về SDLC.
—-
Business Analytics:
DA & DS làm việc chủ yếu với dữ liệu từ thu thập và xử lý đến phân tích và xây dựng báo cáo và mô hình dự đoán tương lai. Để tạo lợi thế trong cạnh tranh, các doanh nghiệp đang dần đưa ra quyết định dựa trên kết quả từ nhóm này thay vì từ kinh nghiệm
Cần nhiều kỹ năng về tư duy logic, lập trình và kiến thức về toán học để có thể hiểu và xây dựng các model
Kỹ năng giao tiếp cũng khá quan trọng vì sẽ cần lấy yêu cầu và trình bày kết quả với các stakeholders, cũng như viết các tài liệu kỹ thuật
Ngoài ra chúng ta còn một ngành khác ít được các bạn mới biết đến tuy nhiên nhu cầu hiện tại cũng đang rất lớn
—-
Business Intelligence (BI) là gì?
BI là nhóm ngành rất gần với Business Analytics. Họ cũng làm việc chủ yếu với data để hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn. Thường người làm BI sẽ được gọi là BI Analyst hoặc BI Developer, gọi tắc là BI.
Tuy nhiên nhóm ngành này thông thường chỉ dừng lại ở việc phân tích và báo cáo đến thời điểm hiện tại. Vậy nên yêu cầu đầu vào cho ngành này cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với DS, đặc biệt là về Toán.
Phần lớn các jobs về DA và BI có yêu cầu khá giống nhau về mặc kỹ năng, nên về cơ bản các bạn có thể apply cùng lúc 2 vị trí này. Nhiều công ty có thể gộp cả 2 roles này làm 1.
=> Tóm tắt lại thì BI sẽ giúp doanh nghiệp phân tích dữ liệu từ quá khứ đến hiện tại còn BA sẽ giúp doanh nghiệp phân tích từ hiện tại đến tương lai.
————–
ĐỪNG CHỌN BA, HÃY CHỌN BA & BI!
Với những bạn sinh viên chưa từng làm IT TẠI ÚC, mình khuyến khích tránh xa ngành Business Analysis, cụ thể hơn là không hoặc chưa nên định hướng trở thành Business Analyst khi mới đến Úc.
Thay vào đó hãy chuyển hướng sang Business Analytics hoặc Business Intelligence.
Nếu các bạn học tốt và không sợ khó có thể theo hướng Data Science. Các nhân mình không khuyến khích lắm vì không phải ai cũng theo được mảng này.
Còn lại phần lớn các bạn thì mình khuyến khích theo hướng DA hoặc BI vì đầu vào tương đối dễ so với các ngành IT khác. Đặc biệt các bạn học các khóa Business Analytics hoặc ICT BA hoặc BIS.
————–
Và dưới đây là lý do:
Hơi phũ nhưng đây là thực tế, Business Analyst gần như không dành cho sinh viên Việt Nam. Một trong những rào cản lớn nhất chính là ENGLISH. Người Úc vẫn thường có những định kiến nhất định nào đấy là người Việt (và một số nước châu Á) không giỏi tiếng Anh. Mà với Business Analyst, các kỹ năng về giao tiếp được yêu cầu rất cao.
Ở Úc, để kiếm việc dễ dàng trong lĩnh vực IT thì thường bạn sẽ cần kỹ năng lập trình. Nếu bạn giỏi lập trình, giao tiếp yếu chút cũng có thể có job.
Rất khó vượt qua vòng resume vì khó thể hiện được kỹ năng. Đặc thù của Business Analyst là giao tiếp và làm tài liệu, điều này tương đối khó để thể hiện qua resume dù bạn thực sự có khả năng. Nếu không có người giới thiệu hoặc kinh nghiệm đi làm, tỉ lệ được HR gọi là khá thấp. Dù được gọi phỏng vấn thì tỉ lệ đậu cũng không cao.
Trước đây mình từng gửi cả trăm bộ hồ sơ nhưng không nhận được phản hồi nào vì mình cũng định hướng làm Business Analyst trước khi đi du học. Mãi đến kỳ học cuối mới nhận ra được thực tế. Cũng may là đã quyết định đổi hướng sang Data trước khi quá muộn.
Tỉ lệ việc làm cho Graduate/Junior Business Analyst người Việt là rất thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ đậu sẽ cao hơn nếu mọi người đã có kinh nghiệm làm việc ở Úc hoặc chuyển đổi ngành trong nội bộ công ty.
Ngược lại các rất nhiều bạn có việc trong lĩnh vực Data và thậm chí là không có bằng về IT.
Riêng đối với BI & DA, các bạn chỉ cần trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng thiết yếu cộng với các dự án cá nhân là đủ để tìm kiếm cho mình cơ hội. Thực tế đã chứng minh (các học viên của mình và các ace trong group), dù không có bằng cấp IT các bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc nếu các bạn cần có đủ kỹ năng. Tất nhiên là có bằng IT sẽ tốt hơn.
Các bạn học/làm khác ngành IT cũng có điểm mạnh riêng của các bạn vì mọi người đã có kiến thức chuyên môn. VD như bạn đã và đang làm kế toán thì có chuyển hướng sang làm Financial Analyst; các bạn học Marketing có thể chuyển sang làm Digital Analyst
Dù vô tình biết đến ngành data nhưng mình lại cực kỳ yêu thích công việc này. Các bạn được thỏa sức sáng tạo khi thiết kế dashboard. Các bạn cũng sẽ được làm việc và học hỏi từ nhiều phòng ban khác. Cá nhân mình thì thích làm việc với Marketing.
————–
Nhiêu đấy chắc đủ để cho các bạn cái nhìn tổng quát về 2 nhóm ngành đang rất HOT này. Quyết định cuối cùng là ở bạn.
"
Gởi lời chân thành cảm ơn tới các bạn đọc. Blog mình đang trong quá trình xây dựng, rất mong nhận được góp ý trân quý của mọi người!
Kiên Trần
Solution Consultant, Strategic Partnership Manager @ viAct
CEO & Founder @ Farmtigo, Riqol Consulting (RCG)